Người nghèo = nghi ngờ + từ chối, người giàu = chấp nhận + thay đổi: Hai chữ DO DỰ không tồn tại trong từ điển của người thành công
Thiếu tự tin sinh ra sợ hãi, do dự nhiều trở thành thói quen, đó chính là kẻ thù lớn nhất trên con đường bước tới thành công của mỗi người.
Sở dĩ người nghèo khó có thể thoát nghèo vì họ luôn kẹt trong lối tư duy không tiến bộ, luôn bi quan. Ngược lại, với những người thành công, họ có bản lĩnh thì không sợ thử thách, có khả năng thì không sợ mưa gió. Dám dũng cảm tiến về phía trước, năng lượng và nhiệt huyết của họ mới có thể trở thành đòn bẩy để đạt tới mục tiêu.
Cuộc sống hiện đại, nền kinh tế phát triển khiến đa số chúng ta đều hình thành rất nhiều thói xấu ví dụ như thích hưởng thụ, nước đến chân mới nhảy, lười biếng không có chí tiến thủ, và nghiêm trọng nhất chính là do dự sợ hãi trước sự thay đổi. Không dám thách thức chính mình, lúc nào cũng tỏ thái độ nghi ngờ và từ chối, chúng ta không ngừng để mặc cơ hội trôi qua ngay trước mắt, rồi lại lấy lý do để ngụy biện cho sự thất bại của mình.
Rất nhiều người cho rằng, không có tiền thì không thể thành công, đó là một tư duy sai lầm.
Hàng ngày đi làm, vất vả công tác, ai mà không có đồng lương thu nhập? Nhất định là có, nhưng đã bị tiêu hết. Số tiền này đa phần dành cho nhu cầu giải trí, ăn uống vui chơi một cách vô bổ chứ không nhằm mục đích đầu tư sinh lời hiệu quả hoặc tối ưu hóa các giá trị vật chất trong tay. Vì lẽ đó, hết ngày này qua tháng khác, chúng ta vẫn không có tiền. Chung quy lại, nghèo vẫn hoàn nghèo, nhưng là do chính thói quen tiêu dùng của chúng ta.
Lại có người cho rằng, vì bản thân không đủ giỏi giang cho nên không có cơ hội.
Thế nhưng, năng lực giỏi giang không từ trên trời rơi xuống, cũng không tồn tại sẵn ngay từ trong bụng mẹ lúc vừa sinh ra. Đó là thành tựu do mỗi người vất vả rèn luyện, mài giũa trong suốt một thời gian dài mới dần dần tích lũy nên.
Không có sinh viên nào vừa tốt nghiệp đã trở thành một tinh anh xã hội. Cũng như không mấy ai vừa khởi nghiệp đã thành công ngang tầm tỷ phú. Khi người khác đang nỗ lực học tập và tích lũy, chúng ta chỉ kêu ca và than thở, chê trách vận mệnh chính mình thì đương nhiên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Lại có nhiều người cho rằng, lý do nghèo của mình nằm ở chỗ không đủ thời gian.
Thế nhưng, thời gian là nguồn tài nguyên công bằng nhất được chia đều cho tất cả mọi người. Tỷ phú Bill Gates cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày như bản thân bạn mà thôi. Rất nhiều người học cách tận dụng từng giây từng phút, nhưng cũng có rất nhiều người chọn cách lãng phí hàng tháng hàng năm.
Có một vị tỷ phú thành công từng dạy con trai rằng: “Khi người khác làm việc, con cũng phải làm việc; khi người khác nghỉ ngơi, con hãy làm việc gấp đôi”. Có như vậy, chúng ta mới đẩy mạnh được năng suất và hiệu quả của mình, tạo thành bước vọt vươn xa so với người khác. Nếu không, khi người khác kiếm ra tiền, chúng ta chỉ có thể ngồi ngước nhìn và hâm mộ.
Thời gian mỗi ngày của chúng ta rất nhiều, nhưng làm thế nào để tối ưu hóa những giá trị đó, biết cách tận dụng để đem lại lợi ích cho chính mình mới là quan trọng.
Hơn thế, đại đa số người không tự tin vào năng lực của bản thân thường sinh ra tính cách do dự, thiếu quyết đoán. Mỗi khi gặp chuyện gì, thay vì nhanh chóng cân nhắc và đưa ra quyết định, chúng ta lại không ngừng do dự, nghi ngờ.
Cẩn trọng là tốt, nhưng không bắt tay hành động thì chúng ta sẽ mãi mãi không thể biết được kết quả của hành động đó như thế nào. Cẩn thận quá sinh ra do dự, do dự nhiều trở thành thói quen. Đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất rất nhiều thời gian và cơ hội quý giá chỉ đến một lần trong đời.
Chính vì thế, do dự có thể trở thành kẻ thù lớn nhất trên con đường dẫn tới thành công của chúng ta. Gặp chuyện gì cũng thế, suy nghĩ thật kỹ một lần rồi làm, không thì đừng nhắc nữa. Công việc nào mà không có khó khăn thử thách, thành tựu nào mà không có gian nan cần vượt qua. Nhưng sau mỗi hành động đó, chúng ta lại học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm, càng tiến gần đến thành công.
Còn nếu cứ mải mê suy nghĩ do dự thì đến cuối cùng, thành tựu trong tay chẳng đạt được gì. Suy nghĩ mà không kết hợp với hành động chỉ dẫn tới con số 0.