back to top

Thủ tục tách sổ đỏ mới nhất 2024

Thích là share:

Hiện nay, nhiều người có nhu cầu tách sổ đỏ cho các mục đích như mua bán, cho tặng quyền sử dụng đất. Và việc tìm hiểu, cập nhật thủ tục tách sổ đỏ mới nhất là cần thiết, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân khi cần thực hiện.

1. Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Được Thực Hiện Như Thế Nào?

Trước khi tìm hiểu xem thủ tục tách sổ đỏ hiện nay được thực hiện như thế nào, chúng ta hãy cùng làm rõ khái niệm này.
Theo đó, tách sổ đỏ còn được gọi với tên tách thửa đất, có thể được thực hiện bằng việc chia một mảnh đất ra thành nhiều phần khác nhau dưới sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này cần đảm bảo đáp ứng một số điều kiện về chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu được tách.
Việc tách sổ đỏ có thể được thực hiện nhằm một số mục đích cụ thể như:
  • Chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đối với đất và tài sản gắn liền với đất
  • Thừa kế một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
  • Trao tặng một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
  • Thế chấp một phần quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
  • Góp vốn một phần bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Để có thể thực hiện việc tách thửa, bạn cần đảm bảo một số điều kiện như:
  • Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất ấy
  • Đơn đề nghị được tách thửa
Chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp là một trong các điều kiện để tách thửa
Sau khi hoàn thiện các loại giấy tờ này, bạn có thể gửi tới văn phòng quản lý đất đai để được xem xét, giải quyết. Văn phòng quản lý đất đai sẽ có trách nhiệm:
  • Thẩm tra hồ sơ, kiểm tra tình trạng của mảnh đất ấy xem có đang bị tranh chấp hoặc diện quy hoạch có kế hoạch sử dụng hay kê biên không
  • Tiến hành đo đạc để chia tách theo quy định
  • Lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho công dân đối với mảnh đất mới được tách
  • Điều chỉnh, cập nhật biến động của đất vào dữ liệu đất đai của địa phương
Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể, bạn có thể cần bổ sung một số giấy tờ như sau:

Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Theo Di Chúc

Còn gọi là thủ tục tách sổ đỏ thừa kế. Trong trường hợp này, điều đầu tiên bạn phải làm là khai nhận di sản ở phòng công chứng. Hồ sơ gồm:
  • Chứng nhận quyền sử dụng đất của người đã mất
  • Chứng tử của người trao di chúc
  • Di chúc hợp pháp
  • Giấy tờ tùy thân của người được thừa kế hay nhận tài sản
Sau khi đã được chứng nhận quyền thừa kế đối với đất, tài sản trên đất ấy, bạn sẽ thực hiện lập hồ sơ đề nghị được tách thửa để gửi tới cơ quan nhà nước.
Đất có thể được trao tặng, thừa kế

Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Bố Mẹ Cho Con

Với việc tách sổ đỏ cho con, cha mẹ cần:
  • Đề nghị văn phòng đăng ký đất đai tách thửa với mảnh đất ấy trước
  • Làm thủ tục cho, tặng đất gồm: công chứng hợp đồng cho tặng, kê khai nghĩa vụ tài chính rồi sang tên cho con. Hồ sơ sang tên (đăng ký biến động đất đai) bao gồm các giấy tờ: đơn đăng ký biến động, hợp đồng cho tặng, giấy chứng nhận quyền sở hữu, văn bản nhất trí của các thành viên trong gia đình về việc cho tặng này
  • Thực hiện thủ tục sang tên cho con tại văn phòng đăng ký đất đai

Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Khi Bán Đất

Trong trường hợp có nhu cầu bán đất, nếu muốn thực hiện tách sổ, bạn cần đảm bảo các điều kiện:
  • Thửa đất ấy phải có chiều rộng và diện tích tối thiểu đáp ứng quy định từng địa phương
  • Thửa đất ấy thuộc phạm vi được tách thửa
Nếu đáp ứng yêu cầu này, bạn có thể nộp hồ sơ với các loại giấy tờ như: chứng nhận quyền sử dụng với mảnh đất được đề nghị tách, đơn đề nghị tách và đăng ký biến động đất đai.

2. Một Số Câu Hỏi Liên Quan Tới Thủ Tục Tách Sổ Đỏ

Cùng với băn khoăn thủ tục tách sổ đỏ được thực hiện như thế nào, xung quanh vấn đề này, có thể còn một số câu hỏi khác như:

Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Mất Bao Lâu?

Thời gian giải quyết nhu cầu tách thửa sẽ được cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cụ thể.

Thủ Tục Tách Sổ Đỏ Mất Bao Nhiêu Tiền?

Sau đây là một số khoản chi phí, lệ phí bạn cần nộp nếu có nhu cầu được tách sổ đỏ. Đó là:
– Lệ phí địa chính: Tùy từng điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương mà mức thu có thể linh hoạt. Trong đó:
+ Các quận của địa phương là thành phố trực thuộc trung ương hoặc nội thành của thành phố, thị xã thuộc tỉnh: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất: không quá 100.000đ/giấy (cấp mới) và không quá 50.000đ/giấy cấp lại.
+ Nếu chỉ có đất, không có tài sản trên đất thì tối đa không quá 25.000đ/giấy (cấp mới), không quá 20.000đ/giấy (cấp lại). Chứng nhận đăng ký biến động đất đai không quá 28.000đ/lần.
+ Các khu vực khác: tối đa không quá 50% mức của các địa phương thuộc khu vực trên.
– Lệ phí trước bạ nhà đất: tính bằng 0,5% giá trị của tài sản được tính phí trước bạ.
– Ngoài ra, bạn có thể còn phải nộp một số loại khác như: phí thẩm định, đo đạc địa chính.

3. Một Số Lưu Ý Khi Làm Thủ Tục Tách Sổ Đỏ

Khi tìm hiểu thủ tục tách sổ đỏ được thực hiện như thế nào, trong thực tiễn, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau:
  • Trước khi tiến hành hồ sơ, cần tìm hiểu rõ các điều kiện cho phép tách thửa. Đặc biệt là quy định về diện tích tách tối thiểu của địa phương. Nếu không đảm bảo thì diện tích này không được tách.
  • Không phải tất cả đất trong quy hoạch đều không được tách. Trường hợp đã quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng hàng năm, chưa có quyết định thu hồi, bạn có thể đề nghị được tách thửa.
  • Các thông tin về đất đai của địa phương như kế hoạch sử dụng hàng năm, giá cả,… là điều được công khai. Chính vì vậy, nếu muốn biết, bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Bạn có thể yêu cầu được cung cấp thông tin về đất đai
Nắm rõ thủ tục tách sổ đỏ và những khoản lệ phí đi kèm có thể giúp bạn chủ động và cẩn thận hơn trong khâu chuẩn bị, để hồ sơ hợp lệ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Đừng quên theo dõi tiếp các bài viết trong chuyên mục Wiki BĐS trên Batdongsan.com.vn để những kiến thức hữu ích trong lĩnh vực, đặc biệt là kinh nghiệm mua bán nhà đất, kinh nghiệm trang trí nhà cửa, làm đẹp không gian sống.

TOP XEM

BÀI VIẾT MỚI